Diễn biến sự kiện
|
Đình Mỹ Xuyên Đông thuộc thôn Xuyên Đông 1, thị trấn Nam Phước. Thị trấn Nam Phước là một trong 14 đơn vị hành chính xã, thị trấn của huyện Duy Xuyên, nằm ở vị trí trung tâm huyện, phía Đông giáp 2 xã Duy Phước và Duy Thành, phía Tây giáp hai xã Duy Trung và Duy Trinh, phía Nam giáp xã Quế Xuân (huyện Quế Sơn), phía Bắc giáp xã Điện Phương ( huyện Điện Bàn)
Nhìn tổng thể thị trấn Nam Phước là mảnh đất có vị thế đẹp, có vị trí chiến lược quan trọng cả về mặt kinh tế, chính trị và quân sự. Phù sa của sông mẹ Thu Bồn và các nhánh sông con bồi đắp thị trấn Nam Phước thành vùng đồng bằng trù phú, màu mỡ với đường giao thông thủy bộ vô cùng thuận lợi, Nam Phước trở thành vị trí trung tâm của huyện, là tâm điểm giao lưu kinh tế, văn hoá với mọi miền.
Nhân dân thị trấn trong kháng chiến kiên cường trụ bám, anh dũng đánh địch để góp phần cùng cả nước giành độc lập. Trong lao động sản xuất, là địa phương luôn đi đầu trong các phong trào thi đua sản xuất giỏi. Thị trấn Nam phước còn nổi tiếng với làng nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa Mã Châu. Nơi có nhiều di tích lịch sử- văn hoá nổi tiếng như Văn Thánh huyện, Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên , mộ tiền hiền Lê Quý Công người đã có công trong công cuộc khai phá và lập làng Mỹ Xuyên Đông; Ông được triều đình phong tước Chánh Đề Đốc, Hùng Long Hầu và được dân làng thờ tại gian hữu trong chính điện đình làng Mỹ Xuyên Đông
***
Trong công cuộc mở nước về phương Nam, tổ tiên ta trong nhiều thế kỷ đã liên tục từ Bắc vào Nam lập nghiệp, vừa mở nước vừa trấn thủ, khai khẩn vùng “phên dậu” của tổ quốc. Lịch sử đất nước, lịch sử từng vùng đất, và lịch sử của các dòng họ đã ghi chép khá đầy đủ hành trình mở nước của cha ông.
Vào thời hậu Lê, khoảng vào những năm 1500, Chánh đề đốc, Hùng Long hầu Lê Quí Công là một võ tướng của triều đình, vâng mệnh vua đưa quân vào Nam để tăng cường sức mạnh quân sự vùng mới khai phá ở phương Nam, suốt một dãy dài từ Nam đều Hải Vân đến tận kinh đô Đồ Bàn (Bình Định). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ngài Lê Quí Công chọn đất Mỹ Xuyên để an cư, lập nghiệp, qui dân lập ấp, lập thành xã, huyện.
Mỹ Xuyên là vùng đất nằm phía Nam hạ lưu sông Thu Bồn, phía Đông giáp đường Thiên Lý Bắc-Nam (Quốc lộ một ngày nay), phía Bắc giáp sông Thu Bồn, phía Nam Và phía Tây Nam giáp vòng cung sông Bà Rén đều cách cửa biển đại Chiêm (Cửa đại) nữa ngày sông. Vì cả 3 mặt đều giáp sông, nên Mỹ Xuyên được phù sa 2 dòng sông Thu Bồn và Bà Rén bồi đắp đất đai màu mỡ, cây cối xanh tươi, lại giáp đường Thiên lý Bắc- Nam ở phía Đông nên rất thuận tiện cho sản xuất và lưu thông, ngài Lê Quí Công đã chọn dải đất ở thế “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận hải, tứ cận điền” nầy để qui dân lập ấp. Mỹ Xuyên tuy là vùng đất Chiêm Thành xưa, nhưng hoang vu không có người ở, ngài đã định cư ở đây và đón dòng người từ Bắc vào Nam cả đường bộ và đường biển, với sức người đi khai phá vùng đất mới, vùng đất Mỹ Xuyên từ hoang hoá đã nhanh chóng thành làng xóm, ruộng đồng, vườn tược, bãi bồi ven sông... với 1.700 mẫu đất ruộng, dân cư ngày càng đông đúc, trên 90 tộc họ và chia thành 2 làng, Mỹ Xuyên giáp Đông và Mỹ Xuyên giáp Tây thuộc huyện Hy Giang, nay thuộc thôn Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Khi ngài Lê Quí Công qua đời, phần mộ ngài được an táng tại làng Mỹ Xuyên (đây là ngôi mộ lâu đời nhất của làng) khi đời sống đã dần khấm khá, các tộc tại Mỹ Xuyên đã xây dựng đình thờ thần của làng. Theo lời hai cụ ông ở Mỹ Xuyên -ông Nguyễn Văn Xuyên và ông Văn Phú Phúc- đình làng Mỹ Xuyên Đông được xây dựng khoảng thời Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng (1600- 1613), trong giai đoạn nầy chúa tiên cho xây dựng chùa Bưởi Châu (ở Trà Kiệu Duy Sơn), chùa Long Hưng (phía Đông dinh trấn Thanh Chiêm) và nhiều đình làng miếu thờ thần.
Vị trí đình nằm giữa làng, bên cạnh mộ ngài Lê Quí Công, trước đình trồng cây đa lớn, làm thành cái lọng của đình, dần dần bà con đến đây tụ họp buôn bán, tục gọi là chợ Đình, ngày tế đình là ngày 12 tháng 2 âm lịch hằng năm. Đất lành chim đậu, dân cư ngày càng đông đúc, xứ sở ngày càng phồn thịnh ấm no, có thêm Sài Thị (chợ Củi) ở phía Đông Bắc, phía Đông Nam là trạm Nam Phước (trạm dịch) trên đường Thiên Lý Bắc- Nam. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyễn 7, phần tỉnh Quảng Nam có chép: Lụy sở huyện Duy Xuyên năm Minh Mệnh thứ 17 dời đến giáp Đông xã Mỹ Xuyên (mục thành trì ). Trường học phủ Thăng Bình ở địa phận giáp Đông xã Mỹ Xuyên, nơi lụy sở phủ (mục trường học).
Trãi qua chiến tranh, ngôi đình và cây đa không còn nữa. Khi chiến tranh đi qua dân làng đã xây dựng lại đình trên nền cũ, trồng lại cây đa ở vị trí ban đầu, và chợ đình vẫn đông đúc như xưa, mộ ngài Lê Quí công được trùng tu, tôn tạo nhằm tri ân liệt tổ, nay phần mộ Lê Quý Công đã được UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định công nhận di tích cấp tỉnh.
Xét thấy vị trí đình Mỹ Xuyên Đông từ khi lập làng đến cuối triều Nguyễn làng xóm đông đúc, dân cư ấm no, có nhiều đóng góp cho đất nước. Các triều vua từ Minh Mạng đến Khải Định đã có 30 đạo sắc phong cho thần của làng đã có công “ Hộ quốc, tý dân, nẫm trứ linh ứng”. Dẫu vật đổi sao dời, chiến tranh tàn phá, người dân Mỹ Xuyên vẫn luôn giữ gìn, bảo vệ tốt 30 đạo sắc phong, đình mất nhưng các đạo sắc - linh hồn của đình - vẫn còn đến nay nguyên màu giấy mực. Là minh chứng cho sự đóng góp của nhân dân làng Mỹ Xuyên qua nhiều thế hệ cho đất nước, cho quê hương.
Cây đa, bến nước, sân đình là biểu tượng của làng quê Việt Nam. Với đình Mỹ Xuyên Đông ngày nay không qui mô, lộng lẫy mà lại rất khiêm tốn bỡi cái dáng vẽ bên ngoài. Nhưng bên trong lại hàm chứa giá trị nhân văn rộng lớn, một tài sản vô cùng quí báu của dân tộc. Đó là những di vật của lịch sử. Nơi, cho đến nay là địa phương duy nhất còn lưu giữ 30 đạo sắc phong của vua ban từ thời Minh Mạng đến Khải Định.
Vì cơ sở còn đơn sơ, tường vách cửa ngõ không được đảm bảo, nên hiện nay 30 đạo sắc phong được cất giữ tại nhà ông thủ sắc Nguyễn Văn Hậu, nhà ở cạnh ngôi tiền đường.
|
Khảo tả
|
Như đã nói ở trên ngôi tiền đường đình làng Mỹ Xuyên Đông ra đời sau khi Hùng Long Hầu Lê Quý Công cùng với các vị khai quốc công thần bình định xong vùng đất Phương Nam. Rồi mới an cư lập nghiệp và chiêu dân lập ấp, lập làng. Một thiết chế văn hoá tâm linh thờ thần Hoàng, thuỷ tổ để an dân ở vùng đất mới ra đời và ngôi tiền đường của làng Mỹ Xuyên Đông được xây dựng từ thời vua Lê Kính Tông (khoảng 1600- 1613). Trải qua thời gian cùng chiến tranh ngôi đình xưa không còn. Nhưng linh hồn của làng, của đình gồm 30 đạo sắc phong thì không mất. Trân trọng như những báu vật các vị cao niên của làng đã thay nhau mang theo những đạo sắc di tản chiến tranh, hoặc có lúc phải chôn lại một nơi nào đó ở quê nhà. Cho đến ngày quê hương sạch bóng quân thù mọi người lại cử thủ sắc mới để tiếp tục lưu giữ.
Đến năm 2001, đình làng Mỹ Xuyên Đông được trùng tu lại nguyên gốc trên nền móng cũ, chính điện xây về hướng Tây Nam, đình xây theo kiểu tam gian nhị hạ (3 gian 2 chái), tường xây, trụ bê tông giả gỗ, mái đổ bê tông trên lợp ngói.
Trên cây đòn đông chính điện mặt trước có khắc “Tân Tỵ niên ngũ nguyệt nhị thập ngũ nhật bi thượng lương ”
Bên trong có 3 gian thờ chính:
- Gian giữa vẽ hình mặt rồng nhìn chính diện, thân rồng ẩn trong mây, đôi câu đối hai bên: “Bắc địa tòng quân trường chinh chiến, Nam thiên sáng nghiệp vĩnh cơ đồ”.
- Hai bàn hương án hai bên: Gian bên phải thờ tiền hiền ở giữa hai chữ “ Tiền Hiền” và một đôi câu đối “ Tri ân Đô Đốc Hùng khai Mỹ, Đáp nghĩa Long hầu tạo nghiệp Xuyên”.
- Gian bên trái thờ Hậu Hiền có hai chữ “ Hậu Hiền” và đôi câu đối “ Hải thân phước hậu, Ân nùng báo”.
Bên ngoài tiền điện phía bên trên một tấm nghi vẻ vào tường và bức hoành phi 3 chữ “Phụng Tiền Hiền”
Phía ngoài gian giữa một bàn hương án thờ, trên bàn có một giá vũ khí bằng gỗ gồm 10 loại, 2 bức hoành phi gian chính sơn son thiếp vàng- tấm phía trong “ Sơn Xuyên cẩm tú”, tấm phía ngoài “ Lưỡng thủy đồng nguyên”. Hai hoành phi sơn son thiếp vàng hai bên tạo năm 2002:
+ Bên phải“ Hiền đức tinh huy”
+ Bên trái “Chính khí trường tồn”.
+ Trên nóc hình lưỡng long chầu nguyệt và tứ linh: Long - Lân - Quy- Phụng
+ Hai bên đắp nổi long hổ: Bên phải - Ngư long hí thuỷ
+ Bên trái - Mãnh hổ đăng sơn
+ Cặp rồng quấn quanh cặp cột chính
+ Cuốn thư giữa “ Đình Mỹ Xuyên Đông”
+ Cuốn thư phía phải “ Tồn di tích”
+ Cuốn thư phía trái “ Tái trùng tu”
+ Bình phong trước đắp nổi hình lân.
Cả khuôn viên rộng chưa có tường rào, phía trước cây đa lớn và khoảng đất rộng nơi họp chợ - chợ Đình.
|