CHUYÊN MỤC: NĂM VĂN MINH ĐÔ THỊ

Xây dựng văn minh đô thị trên địa bàn thị trấn Nam Phước những vấn đề chung

(23/03/2018). Số lượt xem:1101

Xây dựng văn minh đô thị trên địa bàn thị trấn Nam Phước những vấn đề chung

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Duy Xuyên, lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020; Nghị quyết chuyên đề của HĐND huyện Duy Xuyên về xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa, giai đoạn 2016-2020; và Nghị quyết đại hội đảng bộ thị trấn Nam Phước, lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 – 2020; đến năm 2020 thị trấn Nam Phước đạt các tiêu chí của đô thị loại IV. Để triển khai, thực hiện nội dung trên; bên cạnh việc đầu tư, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển; đảm bảo trật tự an toàn xã hội và trật tự an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về văn hóa, văn minh đô thị; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa đô thị; quan hệ giao tiếp ứng xử nơi công cộng và trong cộng đồng dân cư, để thị trấn Nam Phước trở thành là nơi có môi trường xã hội hài hòa, thân thiện, an bình và có đời sống văn hóa cao đang được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Khi ta nói đến văn hóa là nói về cái to lớn, vĩ mô; nhưng vẫn còn trừu tượng. Trong cái vĩ mô ấy nhất thiết phải có, phải xuyên suốt; đầu tiên và cuối cùng, phần cốt lõi, quan trọng nhất của văn hóa, là con người; từng con người, từng cuộc đời, những con người với nhân cách của họ. Để đánh giá văn hóa thế nào thì quan trọng nhất là xem con người với nhân cách, đạo đức xã hội ra sao. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương khóa XI Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nhấn mạnh phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp. Văn minh đô thị không thể tách rời văn hóa. Văn minh đô thị luôn được định hình và chịu sự ảnh hưởng từ nền tảng văn hóa dân tộc. Sự tương tác ấy đòi hỏi văn minh đô thị phải dựa trên nền tảng văn hóa, lấy văn hóa làm bệ đỡ, làm định hướng. Nếu bảo tồn văn hóa mà không chú ý đến văn minh thì rất dễ rơi vào tình trạng bảo thủ, trì trệ và lạc hậu. Văn hóa giúp cho văn minh đô thị có tính định hướng; văn minh đô thị bổ sung cho văn hóa dân tộc tính hiện đại, hội nhập và phát triển. Xã hội đô thị là kết quả tất yếu của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, văn minh đô thị - biểu hiện tập trung của văn hóa đô thị vừa nói lên trình độ phát triển cao về kinh tế - xã hội của đô thị, vừa là một nguồn tài nguyên, vừa như tác nhân, như bộ phận điều chỉnh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đô thị. Với những giá trị vĩnh hằng của Chân – Thiện – Mỹ, văn minh đô thị tác động tới con người một cách tự nhiên, hình thành nên những phẩm chất văn hóa mới, điều chỉnh hành vi của con người trong quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa. Tốc độ đô thị hóa càng nhanh, xã hội vận động càng gấp gáp, đời sống đô thị càng cần đến văn minh đô thị. Văn minh đô thị, trước hết không gì khác là sự nền nếp, trật tự, kỷ cương; trong đó tất cả phải tuân thủ những quy định của pháp luật. Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị là nếp sống theo các chuẩn mực giá trị của văn hóa, đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống của cộng đồng trong môi trường sinh hoạt đô thị. Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị không chỉ tạo ra môi trường văn hóa, bộ mặt văn hóa cho đô thị mà còn góp phần xây dựng con người với tác phong và cốt cách văn minh, hiện đại. Ở góc nhìn khác, nếu không có nếp sống văn hóa - văn minh sẽ không có những con người văn hóa - văn minh và cũng sẽ không có một thị trấn Nam Phước trật tự, văn minh, thân thiện, nghĩa tình. Nếp sống là hành vi ứng xử của con người đã trở thành thói quen, được xã hội thừa nhận. Vậy là, muốn văn minh đô thị được duy trì và phát triển, không có cách nào khác là phải chú trọng phát triển thượng tầng kiến trúc đó là, nhận thức, văn hóa, con người; mọi người cần phải nâng cao ý thức tự giác chấp hành mọi quy định của pháp luật; công việc này phải đi kèm với các biện pháp xử lý nghiêm minh với những chế tài mạnh. Sẽ rất đáng tiếc nếu chúng ta có đô thị phát triển nhưng lại không được sánh đôi với văn minh đô thị  toàn diện và bền vững.

Những nội dung, công việc địa phương đang tiến hành để xây dựng văn minh đô thị là:

Phối hợp với các ngành liên quan của huyện đề nghị các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chung cũng như quy hoạch chi tiết đô thị và sẽ công bố rộng rãi trong nhân dân. Công tác quản lý kiến trúc, xây dựng theo quy hoạch phải được triển khai thực hiện với chất lượng tốt, đồng thời với việc phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong thực hiện quy hoạch kiến trúc, xây dựng đô thị. Thị trấn vừa tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện của cấp trên vừa phát huy nội lực tại địa phương để đẩy nhanh việc nâng cấp chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với hạ tầng xã hội; vận động nhân dân từng cộng đồng dân cư hiến đất xây dựng kết cấu hạ tầng - nhất là hệ thống đường giao thông; Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình công cộng trên địa bàn, phục vụ lợi ích công cộng; không có hành vi lấn chiếm, sử dụng diện tích đất công và công trình công cộng; xây dựng các mô hình văn minh đô thị. Nền kinh tế phát triển bền vững theo hướng “Dịch vụ - công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – nông nghiệp, khuyến khích phát triển công nghiệp sạch, các loại hình dịch vụ và nông nghiệp đô thị.

Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng môi trường văn hóa, có lối sống lành mạnh, phấn đấu 90% gia đình trở lên được công nhận gia đình văn hóa, 80% Thôn/khốiphố đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu thôn/khối phố văn hóa; chú trọng đến công tác phòng chống bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, xây dựng thị trấn phù hợp với trẻ em; hạn chế thấp nhất tệ nạn xã hội phát sinh. 100% thôn/khối phố, cộng đồng dân cư vận động nhân dân tham gia bảo dưỡng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị và đảm bảo vệ sinh môi trường; 80% trở lên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thị trấn đạt chuẩn văn hóa.

Vận động, xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị cho mỗi người, cho cộng đồng; Sống làm việc theo pháp luật và quy định, quy ước của cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị. Có tinh thần yêu nước, yêu quê hương; có lòng tự hào dân tộc, tự hào quê hương; có ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu vì quê hương giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sống hướng về cội nguồn tổ tiên; gìn giữ, phát huy truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc; có lối sống lành mạnh; tương thân, tương ái; tôn trọng lợi ích của người khác và của cộng đồng; giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Tăng cường phòng, chống các hành vi, vi phạm về trật tự, mỹ quang đô thị; trật tự an toàn giao thông; trật tự xây dựng; Vệ sinh môi trường; trật tự an toàn xã hội; các hoạt động dịch vụ văn hóa

Tiếp tục thực hiện tốt quy chế văn hoá công sở; quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ không chuyên trách và người lao động trong cơ quan thị trấn; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, xây dựng văn hoá giao tiếp hành chính đúng mực, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo đúng thời gian, thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính phục vụ nhân dân. Người dân khi tiếp xúc với chính quyền đều được thấy được sự chuyển biến rõ rệt về thái độ, chất lượng  phục vụ của đội ngũ CBCC, cụ thể nhất là nỗ lực tiếp tuc rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính thông thường tại bộ phận một cửa, công bằng cho mọi người dân khi sử dụng những dịch vụ công và các công trình công cộng.

Tăng cường vận động và xây dựng Nếp sống văn minh trong sinh hoạt cá nhân trong nếp ăn, ở, mặc, đi lại, giao tiếp, sinh hoạt, hội họp, trong gia đình, cộng đồng dân cư, ở cơ quan, đơn vị, trường học và nơi công cộng. Nếp sống văn minh gia đình khơi dậy niềm tự hào về truyền thống gia phong, phát huy những nét đẹp của gia đình truyền thống kết hợp hài hòa với xây dựng nét đẹp văn hóa của gia đình hiện đại. Nếp sống văn minh trong cộng đồng tổ chức, xây dựng các mô hình nhân dân tự quản; các tuyến phố văn minh.

Xây dựng văn minh đô thị, thực chất nhằm hướng đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thiết lập các mối quan hệ ứng xử hài hòa, bền vững giữa con người với con người, con người với tự nhiên trong quá trình đô thị hóa. Một đô thị có thể chưa giàu có, có thể không có nhiều cao ốc, không có nhiều khách sạn sang trọng nhưng lại rất cần một trạng thái xã hội thăng bằng để sống và mưu sinh, trách nhiệm đó thuộc về tất cả chúng ta. Xã hội càng phát triển giàu có lên, con người thường chỉn chu hơn, cẩn thận, khắt khe hơn trong bố trí không gian và trật tự sinh hoạt trong gia đình; nhưng khi ra phố, dường như lại tỏ ra tuỳ tiện hơn; và điều đáng nói đó là cái mà chúng ta gặp thường ngày, chúng ta kêu ca thường ngày, và cũng chính chúng ta lại tạo ra nó hằng ngày. Thêm nữa, cái rất cần là phải bắt đầu từ giáo dục nhận thức của mọi người nhưng phải kết hợp song hành cùng với cưỡng chế, xử phạt nghiêm minh. Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau ý thức đúng và hành động nghiêm túc để xây dựng phố phường xanh - sạch - đẹp; để văn minh đô thị không chỉ là khái niệm.

Năm 2018 thị trấn chọn là "Năm văn hóa, văn minh đô thị", lễ phát động đã được tổ chức vào ngày 23/3/2018 cho thấy quyết tâm rất lớn trong việc tạo ra sự chuyển biến, bắt đầu cho thời điểm quyết liệt chú trọng đến nhiệm vụ, giải pháp để việc triển khai Chương trình phát triển đô thị Nam Phước giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đạt kết quả; điều nầy chắc chắn sẽ được đông đảo bà con nhân dân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và từng cá nhân hoan nghênh và hưởng ứng./.

 

Nguyễn Ngoạn

[Trở về]

ĐĂNG NHẬP

Cổng thông tin điện tử

Địa chỉ : Khối phố Phước Mỹ 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam

Điện thoại: 0235.36502361