CHUYÊN MỤC: Văn hóa Xã hội

Lịch sử địa lý di tích lịch sử cấp tỉnh nhà Thờ Tiền Hiền Mỹ Xuyên Tây

(23/02/2022). Số lượt xem:594

Lịch sử địa lý di tích lịch sử cấp tỉnh nhà Thờ Tiền Hiền Mỹ Xuyên Tây

LỊCH SỬ, ĐỊA LÍ LÀNG MỸ XUYÊN TÂY

Năm 1306, vua Chiêm Thành đem châu Ô và châu Rí làm sính lễ cưới Công chúa Huyền Trân của nước ta. Nhà Trần đổi tên Ô, Rí thành châu Thuận và châu Hóa, từ Nam Quảng Bình đến bờ bắc sông Thu Bồn.

Năm 1402, sau khi chiếm Chiêm Động và Cổ Lũy (từ bờ nam sông Thu Bồn đến Bắc Quảng Ngãi), Nhà Hồ  chia đất ấy thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa rồi cho lính lập các đồn điền để tạo đất công điền. Chánh Đề đốc Lê Quý Công có thể đã lập làng Mỹ Xuyên từ thời đó, nên toàn bộ đất đai của làng Mỹ Xuyên là công điền công thổ suốt thời phong kiến. Nhà thờ Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây còn lưu giữ 3 viên đá táng có âm hưởng Linh vật Yô-ni của người Chăm, cũng cho thấy làng Mỹ Xuyên cộng cư với người Chăm từ thời Nhà Hồ. Mộ của Ngài hiện ở cạnh đình Mỹ Xuyên Đông, đã được UBND tỉnh QN xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Tỉnh năm 2006.

Theo Đại Việt sử kí toàn thư, năm 1435, Nhà Lê chỉ yêu cầu Chiêm Thành trả lại đất Cổ Lũy (Bắc Quảng Ngãi), chứng tỏ 2 châu Thăng, Hoa ở Nam Quảng Nam vẫn thuộc về nước ta trong cuộc kháng chiến chống quân Minh (1418-1427).

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông lập thừa tuyên Quảng Nam từ bờ nam Thu Bồn đến Bình Định, nhưng làng Mỹ Xuyên vẫn thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, thừa tuyên Thuận Hóa.(2) Năm 1553, sách Ô châu cận lục do Tiến sĩ Dương Văn An ghi lại tên 66 làng của huyện Điện Bàn, có ghi: “Mạc Xuyên nhiều vườn hồng, Lang Châu nhiều lụa trắng”. Lang Châu nay ở xã Duy Phước, còn Mạc Xuyên được cho là tên của làng Mỹ Xuyên thời ấy, hoặc do chữ (Mỹ) gần giống chữ (Mạc) nên Mỹ Xuyên bị “tam sao thất bản”, chép thành Mạc Xuyên. 

Gia phả họ Mạc ở Trà Kiệu (do Viện Nghiên cứu Hán Nôm công bố năm 1995) ghi tên 7 xã đã cử thợ giỏi tham gia trùng tu chùa Bửu Châu vào năm Nhâm Ngọ Dương Hòa 8 (1642), trong đó ghi tên làng bằng chữ Hán là 美川西社 (đọc là: Mỹ Xuyên Tây xã), chứng tỏ xã Mỹ Xuyên đã tách thành xã Mỹ Xuyên Đông và xã Mỹ Xuyên Tây trước năm 1642.

Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, ghi hai làng Mỹ Xuyên Đông/Tây thuộc tổng Uất Lũy, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn. Sách Địa bạ triều Nguyễn lập từ năm 1815 (Nguyễn Đình Đầu dịch - Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM – 2010), ghi làng Mỹ Xuyên Đông rộng 601 mẫu ta, làng Mỹ Xuyên Tây rộng 388 mẫu ta, hầu hết là công điền công thổ.

        Theo sách Địa chí QNĐN, từ năm 1822, hai làng Mỹ Xuyên Đông/Tây thuộc tổng Mậu Hòa Trung, huyện Duy Xuyên (rộng), phủ Thăng Hoa. Từ năm 1836, hai làng Mỹ Xuyên Đông/Tây thuộc huyện Duy Xuyên (hẹp), phủ Duy Xuyên. 

         Từ tháng 8.1945 về sau, làng Mỹ Xuyên Tây lần lượt thuộc các xã: Cổ Am (từ năm 1946); Duy An (1948); Duy Phương (1950); Duy An (1954); Xuyên Châu (1955); Duy An (1975); thị trấn Duy Xuyên (1986); Duy An (1994); thị trấn Nam Phước (1999).

          Theo sách Đại Nam nhất thống chí (viết bổ sung thời vua Thành Thái), từ niên hiệu Gia Long về trước, dòng chính sông Thu Bồn từ Giao Thủy chảy về phía sông Dưỡng Chân - Bà Rén; Nhánh sông Kỉ Thế từ bãi Thi Lai ở tây nam làng ta chảy xuống Bến Quyên - Bến Giá - Cầu Đen; Nhánh sông Mỹ Xuyên (vốn là sông tự nhiên) chảy giữa 2 làng rồi tiếp nước cho sông Lang Châu. Năm 1823-1824, vua Minh Mạng lệnh đào sâu rộng sông Vĩnh Điện, làm cho Thu Bồn chuyển dòng chính từ Giao Thủy chảy về phía sông Chợ Củi (Cầu Mống). Vì vậy, sông Kỉ Thế bị bồi lấp tạo nên các xứ đất mới như Dạng Loan, Gò Gùi, Gò Khoai,... Bàu Đụng, Tân Trưng, Đô Bắc. Diện tích đất do sông Kỉ Thế bị bồi lấp cũng được trưng công; trong khi đất ở các làng tứ cận với Mỹ Xuyên đều là đất tư. Sông Mỹ Xuyên chảy giữa 2 làng cũng bị bồi lấp, muốn tiếp nước cho sông Lang Châu thì phải nạo vét, nên từ đó tục gọi là Sông Đào.         

Năm 1947, Nhà thờ Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây bị tháo dỡ để “tiêu thổ kháng chiến”, hai Tấm bia cổ ở Nhà Hội hương bị vùi lấp, hàng chục Sắc phong cũng bị cháy mất vào thời điểm này. Năm 2002, làng ta xây lại Nhà thờ Tiền hiền và Miếu Thần Nông trên nền móng cũ.

Năm 2015, tấm bia cổ thời Tự Đức được phát hiện, phiên dịch và thuyết minh rồi xây Nhà bia để bảo tồn. Năm 2017, hơn 40 viên đá táng ở vườn đình được gom thành Đài Đá, trong đó có 3 viên đá của người Chăm. Các cao niên từng trải thời phong kiến đã kịp kể lại “văn hóa làng”, in thành Đặc san “Mỹ Xuyên Tây – Lịch sử, địa lí và văn hóa đậm đà bản sắc”. Nhà thờ Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây đã được UBND tỉnh QN xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Tỉnh vào năm 2020.

Thời Tự Đức, làng ta đã dâng lên Tiền hiền lời tri ân “phạn phần” ghi ở Tấm bia cổ. Ngày nay, làng ta cung tiến lên Tiền hiền và Tiền nhân tấm Bằng Di tích Lịch sử cấp Tỉnh, vừa là bổn phận làm rạng rỡ công đức Tiền nhân, đúng như các chữ 光前 (Quang Tiền) và 裕後(Dụ Hậu) tại các nhà thờ, đình miếu cổ truyền vậy!

Ghi chú:

(1) Các sách đã tham khảo: Đại Việt sử kí toàn thư; Ô châu cận lục; Gia phả hậu duệ họ Mạc ở Trà Kiệu; Phủ biên tạp lục; Địa bạ triều Nguyễn; Đại Nam nhất thống chí; Quốc triều hương khoa lục; Địa chí QN-ĐN,...

(2) Thời phong kiến, xã nào khai thiết lập xã hiệu đợt trước thì thuộc về tổng lập đợt trước, nên các xã trong mỗi tổng không liên cư liên địa mà xen kẽ với xã của tổng lập sau. Làng ta và Mỹ Xuyên Đông thành lập đợt trước, thuộc tổng Uất Lũy (Mậu Hòa Trung); các làng tứ cận với Mỹ Xuyên như Thi Lai, Mã Châu thuộc tổng Duy Đông; Mỹ Khê Cựu, Mỹ Khê Tân, Vĩnh Lại, Tân Mỹ, Long Xuyên, Hạc Toán, Phụng Tây thuộc tổng Mỹ Khê... Thời Lê Thánh Tông, làng Mỹ Xuyên tuy ở trong địa bàn huyện Hy Giang nhưng không thuộc huyện Hy Giang mà thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, Thuận Hóa. 

(3) Thời cộng hòa, ủy ban xã quản lí xã hội, Ban Trị sự làng chỉ lo việc tang tế và phát huy giá trị các di sản./.

                                                               BAN TRỊ SỰ LÀNG MỸ XUYÊN TÂY                                                                                  

Các tin khác:

[Trở về]

ĐĂNG NHẬP

Cổng thông tin điện tử

Địa chỉ : Khối phố Phước Mỹ 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam

Điện thoại: 0235.36502361