CHUYÊN MỤC: TIN ĐỊA PHƯƠNG

Công sự trong lòng dân

(15/08/2023). Số lượt xem:161

 

 

Có một khu vực tại xã Xuyên Mỹ (nay là thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm khó quên trong ký ức của những người từng tham gia vào phong trào đấu tranh cách mạng những năm 1969 - 1975. Đây cũng là vùng trọng yếu, giao nhau với nhiều địa điểm quan trọng và góp phần làm nên những chiến thắng lịch sử vẻ vang.

Đó là khu vực xóm đình Long Xuyên, nơi có nhiều hầm công sự (hầm bí mật) mà chưa có bất kỳ tài liệu lịch sử nào từng đề cập đến, dù mỗi lần họp mặt, các đồng chí lão thành cách mạng vẫn thường mang những câu chuyện này nhắc nhớ nhau về một thời oanh liệt đã qua. Viết về đề tài này, để người đọc dễ hình dung câu chuyện và bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ,nhóm chúng tôi áp dụng phương pháp phân kỳ lịch sử về thời gian, cụ thểchia làm 2 giai đoạn từ năm 1968 đến cuối năm 1970 và từ năm 1971 đến năm 1975.

Cơ sở vững chắc

Những ngày đầu tháng 9.2019, hòa trong không khí cả nướckỷ niệm 74 nămCách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng tôi trở về xóm đình Long Xuyên, xã Xuyên Mỹ (nay là khối phố Long Xuyên 1, thị trấn Nam Phước) để tìm hiểu về những căn hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ ngày nào. Bà Phạm Thị Thanh đang lúi húi nhổ cỏ trước cổng nhà, thấy có khách, bà chậm rãi phủi tay, đi vào nhà. Nghe chúng tôi nhắc chuyện về những hầm bí mật, bà nhíu mắt, im lặng một lúc cho ký ức kịp ùa về. Bà kể, khoảng năm 1968, chồng bà là ông Nguyễn Công Thanh được bầu giữ chức Bí thư xã Xuyên Mỹ.

Lúc bấy giờ, trong nhà mỗi hộ dân đều có một hầm núp bom mìn, nhà bà Thanh cũng vậy. Nhưng vì công việc của một Bí thư xã, căn nhà của ông Thanh thỉnh thoảng là nơi tổ chức các cuộc họp Chi bộ, Đảng bộ và cũng là nơi lui tới thường xuyên của các đồng chí cán bộ huyện, nên bên trong căn hầm tránh bom mìn, vợ chồng ông Thanh đào thêm một hầm bí mật để các đồng chí cán bộ tránh lúc nguy cấp.

Lúc bấy giờ, nhà bà Thanh là nhà đầu tiên trong xóm đình Long Xuyên này đào hầm bí mật cho cán bộ. Ngoài ra, vì hầm trong hầm nên căn hầm bí mật rất rộng, sau ngày giải phóngbà Thanh cho xây dựng lại nhà mới, lấp căn hầm cũ với diện tích vừa đủ làm gian nhà dưới có bếp ăn (rộng khoảng 50m2). Lần đáng nhớ nhất khi nhắc về hầm bí mật, bà Thanh vẫn kể rõ chi tiết về sự kiện năm 1969. Thời điểm ấy, sau cuộc nổi dậy năm Mậu Thân 1968, địch ra sức càn quét, hung tợn nhằm lấy lại địa bàn và “dằn mặt” quân cách mạng. Căn cứ cách mạng là trụ sở làm việc của chính quyền cách mạng 2 xã Xuyên Mỹ và Xuyên Châu (đều thuộc thị trấn Nam Phước ngày nay) nằm tại xóm Tân Tây - khu vực phía bên kia sông Bà Rén thuộc địa phận xã Xuyên Mỹ nhưng trong vùng giải phóng cùng với các xã Phú Duyên, Phú Thạnh là xã Quế Xuân ngày nay. Căn cứ này bị địch thường xuyên đánh phá bằng ca-nông và tấn công trực diện. Chính vì vậy, các đồng chí cán bộ của xã Xuyên Mỹ và Xuyên Châu cùng lực lượng du kích địa phương phải bơi qua sông, vào xóm đình Long Xuyên tránh tổn thất lực lượng. Có một lần, dưới căn hầm bí mật của nhà bà Thanh đã có 3 cán bộ và 15 du kích ẩn náu. Một số lực lượng du kích còn lại qua các hầm bí mật của nhà ông Nguyễn Văn Phiến và nhà thờ tộc Nguyễn do ông Nguyễn Trừng quản lý. Nhờ có 3 hầm bí mật này mà sau một số đợt càn quét của địch, cán bộ và du kích địa phương cơ bản được bảo toàn lực lượng. Ngoài ra, trong các lần họp Chi bộ, Đảng bộ vào giai đoạn 1969 đến 1970, những căn hầm bí mật ở Xóm Đình Long Xuyên cũng phát huy hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ nuôi giấu cán bộ cấp huyện lúc bấy giờ, trong đó, những người thường xuyên lui tới nhiều nhất có đồng chí Nguyễn Văn Dương, Đoàn Văn Lộc (Nguyên Bí thư huyện ủy Duy Xuyên, Vương Bông (Nguyên cán bộ  ban tổ chức huyện uye DX).

Sau nhiều đợt càn quét nhưng vẫn không “xóa sổ” được căn cứ cách mạng Tân Tây, địch bắt đầu đặt nhiều nghi vấn rằng cán bộ và lực lượng du kích địa phương đã ở đâu? Và xóm đình Long Xuyên, khu vực hoang vắng giáp với xóm Tân Tây là nơi địch nhắm đến đầu tiên sau loạt câu hỏi về vấn đề đó. Chính vì vậy, đầu năm 1970, chúng tổ chức nhiều đợt truy lùng, lục soát những căn nhà ở khu vực xóm đình. Nhà nào chúng cũng xới tung, người nào chúng cũng gặng hỏi. Riêng đối với những ai đáng nghi ngờ, chúng dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man để tìm câu trả lời. Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Công Thanh đã hy sinh vào cuối năm 1969 vàbà Phạm Thị Thanh không nằm ngoài danh sách bị chúng nghi ngờ. Bà kể, lần đó, bà bị địch bắt đi vì cho rằng gia đình bà có liên quan đến lực lượng cách mạng. “Chúng gặng hỏi không thành rồi bắt đầu dùng những đòn tra tấn. Ban đầu, chúng dùng thanh cây lớn, đánh liên tục vào mông tôi đến lở da và lấm máu. Sau đó, chúng hòa bột xà-bông và ớt bột vào một xô nước rồi đổ vào miệng tôi, bắt tôi phải khai ra nơi chứa cán bộ. Nghĩ là đường nào cũng chết khi đã rơi vào tay địch nên tôi mặc kệ. Chúng tiếp tục dùng thân ghế dài, đè lên bụng tôi và 2 thằng đứng 2 bên nhún nhảy. Tôi đau đớn, cứng đờ như xác chết, vậy mà chúng cũng không dừng. Đến khi tôi ngất đi thì chúng mới đưa tôi về nhà” - bà Thanh kể. Sau khi đưa bà Thanh về nhà, địch bắt đầu đặt mìn xung quanh nhà bà nhằm gài bẫy cán bộ cách mạng khi lui tới đây. Kể từ đó, những căn hầm bí mật của bà Thanh, ông Phiến, ông Trừng không còn phát huy công năng được nữa vì đã bị lộ. Đây cũng là lý do khiến chúng tôi phân chia và khép lại giai đoạn 1 phân kỳ lịch sử về những căn hầm bí mật ở xóm đình Long Xuyên.

Những công sự mới

Sau khi bị địch nghi ngờ, 3 hầm bí mật của nhà bà Thanh, ông Phiến, ông Trừng cũng “đóng cửa” luôn từ đó. Mãi đến năm 1971, khi cấp trên chỉ đạo lực lượng cán bộ các xã tăng cường đứng điểm và phát triển cơ sở, nhiều cán bộ đã về xóm đình Long Xuyên tự đào hầm công sự cho riêng mình. Trong ký ức của mình, ông Vũ Đình Thuyết - nguyên là Bí thư xã Xuyên Mỹ giai đoạn 1971 - 1972, không bao giờ quên được những kỷ niệm khi ở dưới công sự do chính tay mình đào. Đầu năm 1971, được sự hỗ trợ của cô Nguyễn Thị Lan
(Nguyên bí thư chi Đoàn xã Xuyên Mỹ),
ông Thuyết đào một hầm bí mật dưới bụi tre bên cạnh đìa Sành, giữa đồng lúa. Trong cuốn hồi ký viết vào tháng 5.2015 của mình, ông Thuyết có viết một đoạn liên quan đến những lần ở hầm bí mật: “…4 giờ sáng, tôi đi công tác về nhà bác Cẩm, cô Hai Cẩm (tức cô Lan) nấu cơm cho ăn rồi đưa tôi ra công sự ngụy trang lại, cô Cẩm bơm nước tưới ruộng bằng máy bơm nhỏ bên bờ ao, đến 9 giờ sáng, nước thấm xuống hầm mỗi lúc một đầy, tôi bắt đầu ngột thở, dùng lưỡi lê moi rộng lỗ hơi, đưa tay lên vẫy, cô Cẩm đến đỡ nắp hầm hỏi: “Chi rứa anh Thuyết?”. Tôi bảo: “Tắt máy bơm, nước xuống đầy hầm ngột quá”. Cô Cẩm tắt máy rồi giả lội xuống lúa nhổ cỏ. Những lần khác tôi vẫn ở công sự này, cô Cẩm ngụy trang nhưng không chạy máy nước mà chỉ vác cuốc giả đi thăm ruộng, khoảng 9 giờ mới vào nhà…”.

Một hầm bí mật chỉ có thể sử dụng trong khoảng thời gian nhất định rồi phải thay đổi, vì nếu ở lâu và thường xuyên, địch rất dễ phát hiện. Chính vì vậy, hầm bí mật ngoài đồng ruộng cũng chỉ được ông Thuyết ở đến cuối năm 1971. Đầu năm 1972, nhà bà Võ Thị Chì (cụ Cửu) bắt đầu đào hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, ông Thuyết và nhiều đồng chí cán bộ khác đã ở trong hầm này một thời gian. Trong cuốn hồi ký của ông Thuyết có viết về khoảng thời gian này như sau: “Lần khác, tôi ở công sự trong hầm tránh pháo nhà cụ Cửu, bà nội cô Cẩm. Đến khoảng 8 giờ sáng, tên ấp trưởng cùng với lính mở đường lên, tên ấp trưởng vào nhà hỏi: “Bà có nuôi Việt cộng dưới hầm không?”. Cụ trả lời tỉnh bơ: “Có, đèn đây, ông xuống đó mà bắt Việt cộng!”. Tên ấp trưởng bỏ đi. Cụ Cửu ngồi trước hiên xắt chuối, tôi nghe tiếng xạt xạt đều đều, khoảng gần trưa tôi dỡ nắp công sự rúc lên bò ra cửa hầm dòm, thấy tên lính ngồi trên căn ván đưa đưa chiếc giầy bốt-đờ-sô đá vào chân ngựa căn ván nghe xạch xạch như tiếng xắt chuối. Tôi vội vã xuống công sự đậy nắp lại. Tối đó tôi hỏi cụ Cửu: “Hồi sáng cụ mới xắt chuối đó, cụ bỏ đi đâu rứa?”. Cụ nói: “Tụi nó đi, tao ra xóm sau xin hột mướp giống”. Tôi kể lại chuyện tôi rúc lên, cụ giật mình...”.

Ông Thuyết kể, ở hầm bí mật ở xóm đình Long Xuyên thường gặp những tình huống oái ăm. Một lần sau năm 1973, khi đã ở cương vị của cán bộ tỉnh, ông Thuyết có lần về công tác ở xã Xuyên Mỹ, một lần ông cùng ông Nguyễn Văn Thanh - Bí thư xã Xuyên Mỹ từ giai đoạn 1973 - 1975, ở một hầm bí mật bên bụi chuối mà nắp hầm trỗ giữa đám đậu phộng sau nhà cụ Cửu. Đêm đó là tối 16 trăng tròn, 4 giờ sáng, 2 ông về hầm bí mật nhưng không thể ra được vì ở bên có một nhà tranh phên tre mục nát nhìn ra hầm rất rõ. “Lúc đó, bốn mẹ con cụ Cửu (Võ Thị Chì) đang ngồi bên bếp lửa nói chuyện nhìn lên hướng miệng hầm. Không biết cách nào, chị Nguyễn Thị Liên (Bảy Khoai), con gái cụ Cửu (bây giờ là vợ của đồng chí Nguyễn Văn Thanh - Bí thư xã), nhanh trí vác một tấm tranh ra che một bên cho anh em tôi nép đi theo, đến nơi, chị nói thật to “gà chi mà phá quá, bươi nát đám đậu còn chi”, chúng tôi xuống công sự an toàn…” - ông Thuyết kể. Cũng theo ông Thuyết, giai đoạn năm 1971 - 1975, ở xóm đình Long Xuyên có thêm 6 căn hầm bí mật mới, so với giai đoạn 1968 - 1970. Cụ thể, ngoài 2 căn hầm ngoài ao đìa và trong nhà cụ Cửu còn có 2 căn hầm ở nhà ông Nguyễn Lanh, 1 hầm ở nhà ông Nguyễn Cượng, và 1 hầm ở nhà ông Nguyễn Thê. Như vậy, theo số liệu mà chúng tôi thống kê được từ nhiều nhân chứng còn sống và các tư liệu lịch sử có được, trong giai đoạn từ năm 1968 đến năm 1975, ở xóm đình Long Xuyên có ít nhất là 9 căn hầm bí mật phục vụ cho việc nuôi giấu cán bộ các cấp và lực lượng du kích địa phương.

Giá trị lịch sử của những căn hầm

Trong tư liệu lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thị trấn Nam Phước giai đoạn 1930 - 1975, xuất bản vào tháng 5.2015 có nêu: “… tiếp tục Nghị quyết Hội nghị Huyện ủy Duy Xuyên (5.1969) về nhiệm vụ giành, giữ dân theo chủ trương 4 bám (Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch, cấp trên bám cấp dưới), chi bộ Đảng các xã Xuyên Châu, Xuyên Mỹ đã thành lập Ban Chỉ đạo ở từng xã để lãnh, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt nhằm nhanh chóng khắc phục tình hình khó khăn của địa phương. Các đồng chí cán bộ, đảng viên và du kích được tập hợp, biên chế thành các đội công tác, đồng thời phân công về trụ bám tại các thôn, xóm, tích cực móc nối, xây dựng cơ sở, đột nhập vào các khu tập trung, khu đồn dã chiến để vận động nhân dân đấu tranh…”. Ông Nguyễn Văn Dương - nguyên là Phó Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên kiêm Huyện Đội trưởng năm 1968 và nguyên Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên giai đoạn 1969 - 1975. Ông Dương cho biết, giai đoạn từ năm 1968, bản thân ông cùng các đồng chí trong Huyện ủy khác như ông Đoàn Văn Lộc, ông Vương Bông, thường xuyên đi công tác về xóm đình Long Xuyên để trụ bám, tích cực móc nối và xây dựng cơ sở cách mạng. Những lần họp Đảng bộ ở nhà ông Trả (tức ông Nguyễn Văn Thanh - Bí thư xã Xuyên Mỹ lúc bây giờ), đều ở lại căn hầm bí mật rộng gần 50m2 đó. Sau này, giai đoạn 1971 - 1975, ông Dương cũng thường xuyên lui tới và ở dưới hầm bí mật tại nhà ông Nguyễn Cẩm để hoạt động trong vùng địch. Đặc biệt, trong rất nhiều lần đến xóm đình Long Xuyên, nhờ có những căn hầm này mà ông Dương cùng nhiều đồng chí khác chưa bao giờ bị địch phát hiện. Vì vậy, với cương vị là lãnh đạo vào thời điểm đó, hơn ai hết, ông hiểu rõ việc duy trì và phát huy hiệu quả của các căn hầm bí mật ở xóm đình Long Xuyên.

Theo ông Dương, khu vực xóm đình Long Xuyên là điểm yếu của địch và rất quan trọng đối với quân ta trong việc phát triển cơ sở cách mạng và tổ chức những đợt tiến công. Thứ nhất, xóm đình Long Xuyên nằm gần với các khu căn cứ và đồn quân sự của địch như Trụ sở Hội đồng xã Xuyên Mỹ của chính quyền địch, Trung đội lính Nghĩa quân của địch và đồn Liên Đại Nam Phước. Thứ hai, xóm đình Long Xuyên còn giáp ranh tuyến đường huyết mạch 104 (tức là quốc lộ 14H bây giờ) từ Duy Xuyên đi Nông Sơn rồi lên Hiệp Đức. Nhờ vậy mà ta đã tổ chức phục kích và đánh tan quân địch nhiều lần trong lúc chúng đi tuần trên đoạn đường này và làm nên những chiến thắng vang dội, cắt đứt liên quân vùng miền với địch. Điều đặc biệt quan trọng nữa, xóm đình Long Xuyên nằm ven sông Bà Rén và ở vị trí đối diện với căn cứ cách mạng Tân Tây của chính quyền 2 xã Xuyên Mỹ và Xuyên Châu. Đây là nơi hỗ trợ rất lớn về mặt giao liên và tránh những đợt tấn công của địch đối với những cán bộ hoạt động ở căn cứ Tân Tây.

“9 căn hầm bí mật ở xóm đình Long Xuyên, hay thậm chí là hơn thế nữa rất nhiều, vì đã gọi là hầm bí mật thì đâu có dễ để công khai mà biết hết được. Nhưng cái mà chúng ta nhìn thấy ở xóm đình này là lòng dân. Một vùng đất không quá lớn nhưng có rất nhiều hầm bí mật thì chứng tỏ cơ sở cách mạng của ta ở đó tốt và rãi đều. Cơ sở cách mạng có nhiều tức là lòng dân ở đó tin vào Đảng, tin vào Cách mạng! Nói tóm lại, có được những căn hầm bí mật đó là nhờ vào lòng dân, những căn cứ của lòng dân. Nhưng lòng dân là cái trừu tượng, còn những căn hầm là hữu hình, dù đến nay chỉ còn trong một vài tư liệu và hình ảnh đã cũ. Nhưng cái hữu hình đó cần được ghi nhận và đánh giá lại để giữ gìn giá trị của nó ở thời chiến tranh khốc liệt, để con cháu sau này biết rằng ở nơi đó đã từng có những căn hầm nuôi giấu cán bộ rất hiệu quả, mà chủ nhân của những căn hầm đó là những bà Thanh, ông Trừng, ông Phiến, cụ Cửu, bà Lan,… có bị tra tấn đến chết đi sống lại cũng quyết không khai, không chỉ điểm. Cùng với nhiều địa điểm khác, các cấp chính quyền và ban ngành liên quan nên nghiên cứu công nhận hệ thống hầm bí mật ở xóm đình Long Xuyên là di tích lịch sử” - ông Dương nói.

Lời tựa của nhóm tác giả

Để có được bài viết về những căn hầm bí mật ở xóm đình Long Xuyên, chúng tôi đã đi gặp rất nhiều nhân chứng hiện đang còn sống và đủ độ minh mẫn, đồng thời cũng tham khảo nhiều nguồn tư liệu hiếm hoi. Tất nhiên, mọi chi tiết trong bài viết đều là lời nói chủ quan của các nhân vật, được chúng tôi hệ thống và logic lại theo một câu chuyện vừa đủ thuyết phục và khách quan nhất có thể. Ngoài những nhân vật xuất hiện trong bài viết, chúng tôi còn tìm gặp để đối chiếu thông tin với nhiều người khác, dù không hoạt động ở xóm đính Long Xuyên vào giai đoạn đó nhưng vẫn liên kết với bối cảnh lịch sử để kiểm định thông tin trong bài viết. Xin trân trọng cảm ơn.

Các tin khác:

[Trở về]

ĐĂNG NHẬP

Cổng thông tin điện tử

Địa chỉ : Khối phố Phước Mỹ 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam

Điện thoại: 0235.36502361